• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong “Việt Nam Anh Kiệt”

(Chinhphu.vn) - Với lòng ngưỡng mộ các bậc tiền bối từng lập nên công lao bất hủ với dân với nước, tác giả Đặng Duy Phúc đã biên soạn cuốn “Việt Nam Anh Kiệt” được NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2003. Dưới đây là phần giới thiệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong “Việt Nam Anh Kiệt”.

05/10/2013 19:19

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Trần Hồng

Võ Nguyên Giáp, vị thống soái Việt Nam lừng danh trên thế giới trong thế kỷ 20, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975), sinh ngày 25/8/1911 (Tân Hợi) bên dòng Kiến Giang xinh đẹp, quê làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước dòng dõi khoa bảng, thân phụ là cụ Võ Nguyên Nhân, từng tham gia chống Pháp, bị bắt và bị giặc bí mật thủ tiêu tại Nhà lao Thừa Phủ (Huế). Chuyện kể rằng: Khi cụ Thân bị bắt, tên mật thám Pháp đã mắng cụ “không biết dạy con, để con dám chống lại nước Pháp hùng mạnh”. Cụ đã cười ngạo vuốt râu trả lời: “Tôi đẻ con ra chưa kịp dạy thì con đã bỏ nhà đi làm cách mệnh. Chừ tôi có muốn dạy con thì còn mô mà dạy! Vậy nhà nước Pháp hùng mạnh đi bắt giùm con tôi về đây để tôi dạy thử, coi con tôi có chịu nghe không?” Tên mật thám nghe câu trả lời hàm ý diễu cợt thâm thúy, tức giận tát cụ gãy cả răng rồi đem cụ nhốt vào xà lim, sau đó thủ tiêu cụ.

Võ Nguyên Giáp còn được gọi là "Anh Văn", bắt đầu tham gia đấu tranh yêu nước lúc mới 14 tuổi, khi đang theo học và học rất giỏi tại trường Quốc học Huế. Bị đuổi học vì tham gia bãi khóa tháng 4/1927, nhưng tinh thần yêu nước cách mạng vẫn luôn nung nấu trong con tim khối óc của ông. Năm 1929, ông gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng và tham gia vào việc cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Một năm sau đó, ông bị bắt, bị kết án tù 2 năm, bị giam 3 tháng rồi được thả về quê quản thúc.

Vượt qua vô vàn khó khăn, ông tìm đường ra Hà Nội vừa kiếm việc làm vừa tự học, lần lượt thi đỗ Tú tài và Cử nhân Triết học vào loại xuất sắc. Trong những năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, vừa dạy sử-địa tại Trường tư thục Thăng Long, vừa viết bài đăng trên các báo mang xu hướng cách mạng tiến bộ như Tin tức, Lao động, Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), vừa hoạt động cách mạng. Ông là một trong những sáng lập viên của Mặt trận, Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội. Ông cùng với ông Trường Chinh là đồng tác giả cuốn sách “Vấn đề dân cày” mang bút danh Qua Ninh và Vân Đình.

Tháng 5/1940, ông cùng ông Phạm Văn Đồng đi Côn Minh (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh). Tại đây ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 5/1941, khi Mặt trận Việt Minh được thành lập, ông được cử phụ trách Ủy ban Quân sự Tổng bộ Việt Minh.

Bước ngoặt quan trọng đưa ông vào đời binh nghiệp là sự kiện ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ông được đích thân lãnh tụ Hồ Chí Minh cử làm Chỉ huy trưởng. Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân về sát nhập với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngay sau 3 ngày được thành lập, đã đánh thắng trận đầu giòn giã, tiêu diệt gọn hai đồn Phay Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng).

Tháng 8/1945, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ, Tổng chỉ huy các đội Việt Nam Giải phóng quân và là Ủy viên Ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng Việt Bắc. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 (1945) cử ông vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và làm Ủy viên Thường vụ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cũng trong tháng 8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang), ông đã được bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Từ Tân Trào, ông dẫn đầu đoàn quân Giải phóng tiến đánh giành chính quyền tại thị xã Thái Nguyên rồi tiến quân về Hà Nội cùng nhân dân Hà Nội bảo vệ thành quả của Tổng khởi nghĩa.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày 19/12/1946, Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Võ Nguyên Giáp được cử làm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang và gần 30 năm (từ 1946 đến 1975) liên tục đảm nhiệm cương vị cực kỳ quan trọng này.

Ngày 2/1/1948, ông được phong quân hàm Đại tướng, vị Đại tướng đầu tiên trong chính thể mới.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ 1945 đến 1991, Ủy viên Ban Thường vụ-Ủy viên Bộ Chính trị từ 1945 đến 1982, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ 1948 đến 1980, Phó Thủ tướng Chính phủ từ 1955 đến 1992. Trên bất cứ cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại với đời những dấu ấn khó quên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến trở lại thăm chiến trường Điện Biên Phủ, năm 2004. Ảnh: Trần Hồng

Trên phương diện quân sự, Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến phi thường. Về chiến lược, ông có tầm nhìn xa về những diễn biến của các sự kiện và biết chọn lọc những vấn đề then chốt, hiểu được kẻ địch và biết lợi dụng những điểm yếu của chúng để đánh thắng chúng, cũng như biết dựa vào dân và huy động được sức mạnh của nhân dân để chiến thắng kẻ thù. Về chiến thuật, ông tỏ ra là bậc thầy của chiến tranh du kích, một Tổng chỉ huy xuất sắc qua tất cả mọi giai đoạn.

Trên cương vị Tổng chỉ huy, ông đã nhiều lần ra trận trực tiếp chỉ huy các trận đánh và các chiến dịch quan trọng: Từ Phay Khắt-Nà Ngần trận đầu tiên tiêu diệt gọn quân địch, qua Chiến dịch Biên giới (1950) sáng suốt lựa chọn đúng quyết chiến điểm, đề xuất phương án đánh Đông Khê thay cho phương án đánh Cao Bằng nhờ đó đã chiến thắng giòn giã, giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng tới Đình Lập (Lạng Sơn), đến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (1954) dùng phương án “đánh chắc thắng chắc” thay cho phương án “đánh nhanh thắng nhanh” phiêu lưu và duy ý chí, nhờ vậy giành được toàn thắng vang dội đồng thời tránh cho hàng vạn cán bộ chiến sỹ khỏi bị đổ máu, hy sinh…

Trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông khẳng định phải nhất quán tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bằng cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông đã đóng góp xuất sắc trong công tác chỉ đạo xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, mở đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) và lập đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đối với miền Bắc, “đuổi Mỹ cút, đánh Ngụy nhào”, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

Mùa xuân năm 1975, chính ông đã ra mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng” góp phần kết thúc thắng lợi chiến dịch 55 ngày đêm giải phóng miền Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ. Ảnh: Trần Hồng

Võ Nguyên Giáp qua thực tế lịch sử đã hùng hồn chứng tỏ: Ông là một vị tướng thiên tài, có tài năng quân sự kiệt xuất, có tư tưởng và lý luận quân sự lỗi lạc. Ông là tấm gương sáng về đạo đức, về tính quyết đoán, về tác phong sinh hoạt giản dị và về chữ “nhẫn”.

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhân dân và quân đội Việt Nam anh hùng đã sản sinh ra Võ Nguyên Giáp. Về phần mình, Võ Nguyên Giáp hoàn toàn xứng đáng với sự tín nhiệm, sự rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và quân đội, xứng đáng là người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gọi Đại tướng.

Ngoài ra, Võ Nguyên Giáp còn là nhà khoa học, nhà giáo dục tâm huyết, nhà văn hóa lớn, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Nhà nước đã tặng thưởng ông Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao nhất của quốc gia. Ông còn được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý khác của quốc gia và quốc tế. Nhưng quan trọng và có ý nghĩa hơn, Võ Nguyên Giáp đã, đang và sẽ sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam cũng như trong lòng nhiều dân tộc trên thế giới, là một trong những vị tướng kiệt xuất nhất của thế kỷ 20, một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của Việt Nam và của thế giới ở tất cả mọi thời đại.