• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bầu cử ở Pháp: ‘Gay cấn’ vòng 2?

(Chinhphu.vn) - Sau vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2017-2022 với ‘đồng chiến thắng’ của 2 ứng cử viên - ông Emanuel Macron và bà Marine Le Pen- không chỉ nước Pháp mà cả châu Âu đang ‘hồi hộp’ chờ kết quả chung cuộc sau ngày 7/5 tới.

25/04/2017 09:20

Những người ủng hộ ứng cử viên Emanuel Macron. Nguồn ảnh: BBC

Với kết quả nhận được 24,01% số phiếu ủng hộ (nguồn AFP), ứng cử viên theo đường lối trung dung Emanuel Macron tạm dẫn sít sao trước thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận dân tộc Pháp (FN), bà Marine Le Pen (21,3%) và hai người cùng bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống do không có ai giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ sau vòng 1.

Hai ứng cử viên này sẽ tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào ngày 3/5, tức 4 ngày trước khi diễn ra vòng 2 cuộc bầu cử như dự kiến. Cuộc tranh luận, theo các phụ tá của hai bên ‘là cần thiết’ vì sẽ giúp cử tri nhận định rõ ràng về 2 ứng cử viên, về người sẽ lãnh đạo nước Pháp 5 năm tới.

Như vậy có thể nói, cả nước Pháp đang ‘hồi hộp’ chờ đón kết quả chung cuộc bầu cử Tổng thống mới.

‘Chân dung’ 2 ứng cử viên

Trong vòng 1 cuộc bầu cử ngày 23/4, mặc dù không có được một bệ đỡ vững chắc là một đảng chính trị, nhưng ứng cử viên Macron 39 tuổi, với hình ảnh trẻ trung, năng động cùng lập trường sẵn sàng vượt qua ranh giới các đảng truyền thống nhằm huy động sức mạnh của cả hai cánh tả - hữu trên bàn cờ chính trị Pháp, đã giành được số phiếu ủng hộ nhiều nhất (24,01%) so với 10 ứng cử viên còn lại.

Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại thủ đô Paris tối 23/4, ông Macron khẳng định mục tiêu của mình là đoàn kết "những người yêu nước", chống lại "mối đe dọa của dân tộc chủ nghĩa".

Trong khi đó, bà Marine Le Pen (48 tuổi) đứng vị trí thứ hai (21,3%), cũng thu hút lá phiếu cử tri nhờ đánh trúng tâm lý người lao động với quan điểm phản đối người nhập cư, bảo vệ bản sắc Pháp và khôi phục chủ quyền quốc gia.

Phát biểu trước báo giới tại tỉnh Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp ngày 24/4, bà Le Pen thể hiện mục tiêu muốn hướng cử tri đến những vấn đề trọng yếu như chống khủng bố mà bà cho rằng đây là yếu điểm của đối thủ Macron.


Kết quả bầu cử vòng 1: Bà Marine Le Pen giành 21,3% số phiếu ủng hộ, ông Emanuel Macron giành được 24,01%. Ảnh: AFP

Phản ứng của chính giới

Ngay sau khi vòng 1 bầu cử  có kết quả, ngày 24/4, đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên Emanuel Macron.

Theo ông Hollande, nước Pháp sẽ rơi vào nguy cơ "trở nên cô lập và bị phá vỡ khỏi Liên minh châu Âu (EU)" nếu ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen  trở thành Tổng thống.

Ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Pháp được công bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende… đã chúc mừng ứng cử viên Emmanuel Macron.

Cũng trong ngày 24/4,  Điện Kremlin (Nga) tuyên bố tôn trọng kết quả vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và hy vọng Nga sẽ có quan hệ tốt hơn với Paris.

Phản ứng của báo giới

Truyền thông châu Âu và Mỹ nhận định việc ông Macron dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu vòng một là kết quả đáng mừng cho EU, song cũng không ngừng cảnh báo về khả năng lội ngược dòng của bà Le Pen, người theo chủ nghĩa hoài nghi về EU, có tư tưởng bài ngoại và chống nhập cư.

Tờ Guardian của Anh trong khi miêu tả ứng cử viên Macron là "niềm hy vọng sáng nhất cho một quốc gia vĩ đại đang sa lầy" cũng cảnh báo "những mối đe dọa từ phái cực hữu" vẫn chưa thực sự đã chấm dứt.

Trong khi đó, tờ Finacial Times nhận định khả năng chiến thắng tại vòng quyết định vào ngày 7/5 tới sẽ thuộc về ông Macron nhưng cũng dự đoán một giai đoạn cầm quyền không hề dễ dàng với những cuộc "đàm phán hóc búa" đang đợi ông Macron ở phía trước.

Còn tại Mỹ, kênh truyền hình Fox News cũng gợi nhắc chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, bất chấp mọi dự đoán từ giới chuyên gia, ngụ ý về cơ hội xoay chuyển cuộc đua của bà Le Pen. Đây cũng là quan điểm của tờ Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) (Trung Quốc), với nhận định "các chuyên gia dự báo ông Macron chiến thắng cũng chính là những người từng dự báo sai trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua".

Nhiều tờ báo cũng nhắc lại lịch sử các cuộc bầu cử tại Pháp với chiến thắng luôn thuộc về các đảng phái lớn (đảng Cộng hòa và đảng Xã hội Pháp).

Tờ Wall Street Jounal cho rằng kết quả lần này như một "cú giáng bất ngờ" dành cho các đảng phái lớn tại Pháp. Báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) nhận định chiến thắng lần này của ông Macron quá sít sao. Còn đài BBC của Anh cho rằng Pháp đang vào "vùng chính trị hoàn toàn mới" và dù ai trong số hai ứng cử viên còn lại giành chiến thắng thì nước Pháp cũng sẽ rơi vào tình trạng "chia rẽ sâu sắc".

Những người ủng hộ bà Marine Le Pen. Nguồn ảnh: BBC
Phản ứng ‘bên ngoài’, phản ứng của thị trường

Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại Pháp vào đêm 23/4, sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng một được công bố.

Cảnh sát Pháp ngày 24/4 cho biết 6 nhân viên an ninh và 3 người biểu tình đã bị thương trong các vụ đụng độ xảy ra trong đêm 23/4 tại quảng trường Bastille, quảng trường Cộng hòa (Paris), thành phố Nanté, Lyon, Bordeaux, Rennes…

Những người biểu tình đã đốt nhiều ôtô, nhảy múa xung quanh các đống lửa và ẩu đả với cảnh sát chống bạo động. Cảnh sát cho biết đã bắt giữ hơn 100 người sau các vụ đụng độ nói trên.

Cuộc bầu cử vòng 1 tại Pháp cũng đã gây nhiều "biến động" trên thị trường thế giới.

Đồng Euro tăng 2% so với USD, lên 1.09395 USD, mức cao nhất kể từ ngày 10/11/2016, ngày có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Sau đó đồng Euro sụt nhẹ xuống mức 1,0840 USD.

So với đồng bảng Anh, đồng Euro tăng 1,2%, ở mức 0,8480 GBP.

Thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa ở mức cao hơn, với chỉ số Cac 40 của Pháp tăng 4% trong những phiên giao dịch ban đầu.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) trong phiên giao dịch sáng 24/4, đồng euro đã tăng so với đồng USD và đồng yên, từ mức 1,0860 USD/euro lên 1,0940 USD/euro, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2016 và tăng 2,1% so với đồng yên ở mức 1 euro đổi được 119,46 yên. Tuy nhiên, giá vàng lại giảm 0,8% xuống 1.273,30 USD/ounce.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường chứng khoán Tokyo tăng 270,21 điểm lên 18.890,96 chỉ ít phút sau khi bắt đầu phiên giao dịch, trong khi chỉ số Topix tăng 1,25% (18,66 điểm) lên 1.507,24.

Thanh Phương (tổng hợp)